9 mô hình với 25 bể nuôi, diện tích thực hiện là 17,1 ha. Năng suất bình quân ước đạt 15 tấn/bể, 22 tấn/ha. Tổng sản lượng cá thu hoạch ước đạt 350-370 tấn; giá trị sản xuất ước đạt 15 tỷ đồng… là những kết quả bước đầu đạt được sau 2 năm Hà Nam triển khai thực hiện Đề án Xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết năm 2018-2019.
Chiều 24/12, Sở NN&PTNT Hà Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án Xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết năm 2018-2019. Đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, PCT UBND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.
Theo đó, năm 2018 Đề án nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” được triển khai với 2 mô hình điểm tại huyện Lý Nhân và Bình Lục. Trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, nhân rộng thêm 7 mô hình trong năm 2019. Mỗi mô hình xây dựng 2 bể nuôi cá theo công nghệ “Sông trong ao” thể tích 250 m3 trở lên; ao nuôi có diện tích từ 1 ha trở lên; độ sâu mực nước 2-3m; đảm bảo thể tích ao xử lý nước để cấp nước cho bể nuôi tối thiểu đạt 10.000m3 nước/bể. Mỗi mô hình sau khi hoàn thành xây dựng, nghiệm thu, đi vào hoạt động được hỗ trợ 50% tiền mua cá giống và 30% tiền mua chế phẩm xử lý cái tạo môi trường, thuốc phòng chữa bệnh cho cá. Tổng kinh phí hỗ trợ 210,2 triệu đồng/mô hình.
Các đại biểu thăm quan thực tế mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ "Sông trong ao" tại xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng
Đánh giá về hiệu quả sau 2 năm triển khai thực hiện đề án, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết: Mặc dù đây là mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Nam, song quá trình triển khai mô hình đã đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của đề án. Các hộ tham gia mô hình đã cơ bản thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, ghi chép sổ sách đầy đủ, không sử dụng hóa chất, thuốc phòng, trị bệnh trong danh mục cấm sử dụng theo quy định của Bộ NN&PTNT; được tham quan tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tiền mua cá giống, hóa chất, thuốc phòng, trị bệnh đầu đủ và được tư vấn kỹ thuật trong suốt quá trình thực hiện mô hình.
Đặc biệt, cá nuôi theo mô hình này không chỉ cho năng suất rất cao (đạt 15-20 tấn/bể; 25-30 tấn/ha/vụ nuôi), gấp 4-5 lần năng suất nuôi truyền thống, mà còn có chất lượng sản phẩm cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cá được nuôi trong điều kiện nước chảy, vận động liên tục, không tiếp xúc trực tiếp với bùn đáy, được sinh trưởng trong môi trường trong sạch và kiểm soát chất lượng yếu tố đầu vào. Nhờ đó, thịt cá săn chắc, không có mùi bùn, thơm ngon hơn so với nuôi cá trong ao nước tĩnh truyền thống.
Ngoài ra, mô hình còn giúp chủ động nguồn nước tại chỗ, không phụ thuộc nhiều vào nguồn nước cấp bổ sung, nước trong ao không cần thay thế mà có thể sử dụng tuần hoàn liên tục nhiều năm, khắc phục được tình trạng khó khăn về nguồn nươc cấp cho nuôi trồng thủy sản hiện nay.
Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án cũng gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: Yêu cầu diện tích ao nuôi lớn, độ sâu mực nước tối thiểu 2m mới xây dựng được 1 bể nuôi; vị trí ao nuôi, cơ sở hạ tầng (giao thông, điện…) yêu cầu cao hơn nuôi thông thường. Nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn( 800-900 triệu đồng/bể nuôi); yêu cầu về trình độ kỹ thuật, quản lý, vận hành… nghiêm ngặt.
Từ hiệu quả bước đầu của đề án, ngành NN&PTNT đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp hướng dẫn trình tự, thủ tục chứng nhận nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cho các hộ nuôi cá có đủ điều kiện về ATTP; đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét, cho phép các địa phương tiếp tục xây dựng 8-10 mô hình trong năm 2020 với các cơ chế hỗ trợ như các năm 2018-2019, đồng thời ban hành cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ nhân rộng mô hình trong các năm tiếp theo.
Đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, PCT UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các địa phương và các hộ gia đình tham gia đề án; ghi nhận sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của HTX Thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương) trong việc hỗ trợ các hộ nông dân và HTX thực hiện mô hình.
Đồng chí PCT UBND tỉnh cho rằng: Sau gần 2 năm thực hiện thí điểm đề án, mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” đã đem lại kết quả bước đầu tích cực, đảm bảo được chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế, kỹ thuật. Năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất của mô hình vượt trội so với phương thức nuôi truyền thống.
Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng về phát triển chăn nuôi thủy sản của tỉnh; công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương chưa quyết liệt nên hiệu quả nhân rộng mô hình chưa cao; số HTX thành lập mới trong lĩnh vực này còn ít.
Đại diện một số HTX NTTS trên địa bàn tỉnh ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với HTX Thủy sản Xuyên Việt
Bày tỏ nhất trí cao với đề xuất của Sở NN&PTNT về việc tiếp tục thực hiện đề án trong năm 2020, đồng chí Trương Minh Hiến giao cho các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình; thường xuyên tổ chức cho nông dân tham quan mô hình tại các xã trong tỉnh; các huyện chủ động đăng ký số lượng mô hình sẽ xây dựng trong năm tiếp theo.